Tháng 10.2002, tại Anh, người ta đã chế tạo và thử nghiệm một thiết bị bay độc nhất vô nhị làm bằng gỗ, lông chim và chất bài tiết của con bọ dừa như Leonardo khởi thảo cách đây 500 năm. Đó là nguyên mẫu của chiếc dù hiện đại và tàu lượn hiện đại. Bằng những phát minh của mình, ông đã chứng minh con người có thể bay ở thời đại mà chưa ai dám mơ tưởng tới điều kỳ diệu đó.
Ngay từ năm 1483, Leonardo đã ghi lại bên lề bản vẽ: “Nếu như người ta tìm được một tấm vải gai có chiều rộng và chiều cao 12 ácđơ (đơn vị đo chiều dài Anh bằng 91,44 cm) thì anh ta có thể nhảy xuống từ bất cứ độ cao nào mà không việc gì”.
Năm 1777, một tử tù người Pháp tên là Jean Dumie chấp nhận việc thử nghiệm “cái áo khoác biết bay” do giáo sư Fontagie chế tạo theo những phác họa của Leonardo. Với Jean Dumie, đây là một canh bạc: Nếu thoát chết sau cú nhảy, cơ quan thực thi pháp luật sẽ không có quyền lấy đi mạng sống của anh nữa. Dumie đã thực hiện cú nhảy từ trên mái ngọn tháp canh của nhà tù và đã sống.
Bản sao chính xác của chiếc khinh khí cầu mà Leonardo miêu tả mới đây đã được một người Anh tên là Edrian Nicolas thử nghiệm. Trên một thiết bị nặng 85 kg được chế tạo bằng những vật liệu vốn sẵn có ở thời Trung cổ, anh ta đã bay được gần 2.500 m trên những cánh đồng ở Nam Phi. Chiếc khí cầu này đã lên cao tới 3.000 m, bất chấp dự đoán của các chuyên gia rằng "cái hộp vớ vẩn bằng gỗ và vải gai" này không thể bay được. Người thử nghiệm khẳng định rằng, trong lúc bay, chính Leonardo đã “phù hộ độ trì” cho anh ta theo lời cầu nguyện của mình.
Trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự do Leonardo phát minh, “con rùa gỗ" (mô hình của chiếc ôtô hòm bọc thép) cách đây 500 năm chính là tiền thân của chiếc xe tăng hiện đại. Bên trong “con rùa” có thể chứa được 12 người: 8 người được bố trí bên những lỗ châu mai có nhiệm vụ nã súng vào đối phương, một người ở phía trên để quan sát chiến trường, những người còn lại điều khiển sự chuyển động của “con rùa”.
Khó có thể liệt kê hết những phát minh của Leonardo. Càng ngày thế giới càng thấy rõ rằng con người kỳ cục này đã vượt trước thời đại mình không phải là 500 năm mà nhiều hơn thế. Ngày nay, chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu vài ý tưởng của ông. Ôtô, máy bay, khí cầu chỉ là một số ít ỏi trong những bản thiết kế do ông khởi thảo.
Mới đây, tại kỳ họp lần thứ 40 tại “Chuyên đề về Vinci” diễn ra ở Florence, một kỹ sư cơ khí Mỹ - ông Elling Roshaim - đã tuyên bố: Bức vẽ trứ danh của Leonardo trong tập “Bản thảo Đại Tây Dương", vốn được coi là nguyên mẫu của chiếc xe ô tô hiện đại, kỳ thực “là sự mô tả robot được chương trình hóa”.
Với sự hỗ trợ của các phim dương bản và sự tái hiện số trên máy tính, Roshaim giải thích rằng: Một trong những hình vẽ của tập bản thảo do Leonardo thực hiện năm 1478, ở tuổi 26, chính là thiết bị tự động được chương trình hóa, có khả năng khắc phục một hành trình rõ rệt, dừng lại, quay phải và quay trái theo chương trình được định sẵn cho nó.
Một số nhà nghiên cứu còn nhìn thấy trong những bản vẽ của Leonardo nguyên mẫu của máy tính tương lai, máy chụp ảnh số, vô tuyến truyền hình...
Da Vinci - người đến từ tương lai?
Trong tập “ghi chép” của Leonardo, chúng ta đọc được những lời tiên đoán thiên tài về những thành tựu tương lai của khoa học kỹ thuật:
Về máy điện thoại: “Người ta sẽ nói chuyện với nhau từ những đất nước xa xôi nhất và sẽ trả lời nhau cứ y như đang ở cạnh nhau”.
Về ghi hình và tiếng trên băng: “Người ta sẽ đi lại mà không chuyển động, có thể nói với người vắng mặt, lắng nghe người im lặng”.
Về việc phát hình trên vô tuyến: “Mọi người trong nháy mắt sẽ tản ra khắp nơi trên thế giới mà không di chuyển khỏi vị trí”...
Những dự đoán như vậy về tương lai chiếm hàng trăm trang viết. Và ngày nay, không phải tất cả những dự đoán ấy đều được hiểu rõ. Tất cả những hiện tượng như thần thuật bay lên, khả năng ngoại cảm, thần giao cách cảm... đều được Leonardo miêu tả.
Trong những trang viết của Leonardo, người ta thậm chí còn tìm thấy cả sự miêu tả người cá. Ông là người đề xuất những ý tưởng về tàu thủy, xe đạp, máy bay trực thăng, chiến hạm bọc thép, thấu kính tiếp điểm, kính viễn vọng mà nhờ nó “có thể nhìn thấy được mặt trăng và các vì sao ở mức phóng đại”...
Từ đâu mà Leonardo đã học được tất cả những điều đó? Liệu ông có thể đơn thương độc mã phát minh ra tất cả những điều kỳ diệu ấy không? Do đâu mà ông biết chuyện gì sẽ xảy ra? Những thắc mắc khó giải thích này khiến nhiều người có ý nghĩ rằng, Leonardo đã đến từ tương lai, nơi mà những công nghệ như vậy từ lâu đã trở thành hiện thực
Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét