Xem ngay

Nghệ sĩ Văn Hiệp không cần 'xin danh hiệu'

Nghệ sĩ Văn Hiệp không cần 'xin danh hiệu'

Danh hiệu "Trưởng thôn" đã in sâu vào trong lòng khán giả rồi, đó là phần thưởng lớn nhất trong đời người nghệ sĩ giản dị, chất phác nhưng đầy tài hoa.
>> Nghệ sĩ hài Văn Hiệp qua đời

Trái ngược với hành động kêu gọi các nghệ sĩ ký đơn xin xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho cố nghệ sĩ hài Văn Hiệp của đạo diễn Khải Hưng, hầu hết độc giả VnExpress cho rằng đây là việc không nên làm.
Dù nhìn nhận tình cảm và ý tưởng tốt đẹp của vị đạo diễn trên nhưng đa số bạn đọc khẳng định, đối với họ nghệ sĩ Văn Hiệp từ lâu đã trở thành người nghệ sĩ của quần chúng.
Bạn đọc Ngọc Thiên không ngần ngại nói: “Ông ấy hiện hữu trong mọi con người đã từng xem ông ấy đóng phim hay diễn hài. Không khoe mẽ, chân thật, là ông cán bộ xã của mỗi người nông dân, hay là ông tổ trưởng dân phòng. Từ đứa trẻ đến người già, có thể không biết nghệ sĩ nhân dân này, hay nghệ sĩ ưu tú khác, nhưng nếu ai không biết đến Văn Hiệp thì coi như chưa bao giờ được xem tivi, hay xem kịch”.
Hình ảnh hiền hòa, chân chất của nghệ sĩ Văn Hiệp trong nhiều tiểu phẩm hài hay các bộ phim từ lâu đã in dấu đậm nét trong lòng công chúng yêu điện ảnh, vì thế khi nhắc đến biệt danh “ông trưởng thôn” thì dường như ai cũng biết đó là Văn Hiệp.
Đó cũng là lý do mà bạn đọc Thảo Lam cho rằng không cần tặng danh hiệu gì nữa, vì trong lòng khán giả đã có hình ảnh người nghệ sĩ như thế là thành công rồi.
Nhiều bạn đọc khác cũng đồng tình với ý kiến này. Họ công nhận có nhiều nghệ sĩ ưu tú hay nhân dân nhưng hầu như không biết mặt mũi, tên tuổi ra sao. Điều này là nghịch lý với tên danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”.
Xuất phát từ đây, bạn đọc Phúc Trung đề nghị nên để công chúng bình chọn chức danh Nghệ sĩ nhân dân hay ưu tú. Cách thức tiến hành có thể là: “Hàng năm, hội đồng xét duyệt nên căn cứ vào "Sức sống" và sự cống hiến của các nghệ sĩ và đưa lên mạng để công chúng bình chọn. Sau đó hội đồng nghiên cứu và đề nghị Nhà nước phong tặng từng danh hiệu là phù hợp nhất”.
Trong trường hợp của nghệ sĩ Văn Hiệp, bạn đọc nhận định việc xin xét tặng danh hiệu này khi ông đã qua đời là không có giá trị. Nhiều bạn đọc đồng tình với ý kiến của nhạc sĩ Phú Quang, nghệ sĩ Quốc Tuấn khi sự việc này dù có thành công hay không cũng chỉ là “vô nghĩa”, làm “tổn thương” hương hồn người quá cố. Thậm chí bạn đọc Huy còn khẳng định: “Danh hiệu là phải được trao chứ không phải xin để được trao”.
Nhiều độc giả đánh giá những gì nghệ sĩ Văn Hiệp đã cống hiến phim ảnh là quá đủ để tôn vinh nhưng tại sao khi ông còn sống lại không xem xét, giờ nếu trao tặng khi đã mất thì còn ý nghĩa gì nữa không?
Chưa kể bạn đọc còn bức xúc khi biết về lý do và tiêu chí lựa chọn xét trao danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cấp nhà nước không có cơ hội nào dành cho các diễn viên như Văn Hiệp, Hồ Kiểng, Quang Tèo…vì họ chỉ chuyên đóng vai phụ.
Bạn đọc Ngô Trần nhận xét: “ Không có vai phụ thì vai chính diễn một mình hay sao. Còn tài năng của người nghệ sĩ thì nó rành rành ra đấy, có danh hiệu hay không thì cũng chỉ như " áo gấm them hoa " mà thôi”.
Độc giả Trang Lê thắc mắc vì sao nước ngoài còn có giải cho các vai phụ xuất sắc mà Việt Nam không có ghi nhận nào tương tự?
Dù đánh giá việc kêu gọi xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cho nghệ sĩ Văn Hiệp có thể không như ý nguyện của các nghệ sĩ có lòng, có tâm với ông nhưng một số bạn đọc vẫn hy vọng rằng đây có thể là “hồi chuông” mới trong việc xem xét danh hiệu này cho các nghệ sĩ khác.
Đối với nghệ sĩ Văn Hiệp, số đông bạn đọc mong muốn như chia sẻ của bạn đọc Doanhnguyen: “Xin mọi người để cho bác yên nghỉ, quan trọng gì danh hiệu khi bác đã ra đi. Danh hiệu trong lòng mọi người là danh hiệu cao quý nhất thì bác đã có rồi”.
Theo vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

THIẾT KẾ 3D Designed by Templateism.com Copyright © 2014

Hình ảnh chủ đề của Bim. Được tạo bởi Blogger.