Xem ngay

Những lâu đài, cung điện nổi tiếng thế giới

Theo diendanxaydung.vn

Chùa Byodo-in

 

Thời điểm xây dựng: Năm 1053
Địa điểm: Kyoto, Nhật Bản

Chùa Byodo-in tọa lạc giữa rừng bên cạnh một hồ nhỏ, như thể đã được xây dựng cách đây cả ngàn năm. Dù chùa có niên đại gần đây, nhưng chứng tỏ là một minh họa hoàn hảo về phong cách kiến trúc phát triển. Bản thân công trình đã mang ý nghĩa, nhưng ngoài ra công trình không được xây dựng bằng đá mà bằng gỗ, một vật liệu rất dễ bị phân hủy và hỏa hoạn, sừng sững trong một vùng đất thường hay động đất và nội chiến trong quá khứ. Ngôi chùa tồn tại qua thời gian, ít nhiều trong hình dạng giống như ban đầu.

Hình dáng chùa phỏng theo kiểu Trung Hoa. Du nhập vào Nhật Bản cùng với đạo Phật trong thế kỷ 6 sau Công nguyên. Người Nhật, theo thói quen của mình, mô phỏng mô hình cơ bản nhưng với tầm cao thể hiện vô song trong một loạt các công trình xây dựng hiện nay vẫn còn tồn tại.

Chùa Byodo-in tọa lạc trên con đường cái quan thời cổ từ Kyoto hướng về Nara, gần dòng sông Uji hung hãn, ở một nơi nổi tiếng có phong cảnh hữu tình. Các gia đình quý tộc từ Kyoto đến xây dựng tư dinh ở vùng này. Năm 1053, nhiếp chính Fujiwara-no-Yorimichi cải tạo tư dinh của thân phụ thành một tu viện, xây dựng một nhóm các công trình để thờ phụng Đức Phật A di đà, trong số này chỉ duy nhất có chùa Byodo-in còn tồn tại đến ngày nay.

Phong cách xây dựng khác xa với truyền thống khung gỗ châu Âu, dễ thấy nhất là ở phần mái với nhiều đường cong và phần mái nhà nhô ra khỏi tường thật tham vọng. Ngoài vẻ đẹp, những mút thừa này có chức năng thực tế là giữ cho khung luôn khô ráo trong một đất nước có lượng mưa khá lớn. Quan sát chi tiết cho thấy có sự khác biệt đáng kể về kết cấu - khung không dựa theo hình tam giác, cơ sở căn bản của tính ổn định trong cấu trúc châu Âu. Thay vào đó, thành phần kết cấu mái gài vào đầu cột chống bằng các mối nối phức tạp có thể chịu nổi tải trọng kéo lớn. Vì thế công trình đứng vững như chiếc bàn có nhiều chân, tính ổn định mong manh của khung lại giúp công trình chịu đựng các trận động đất xảy ra định kỳ.

Trong sơ đồ, công trình gồm một đại sảnh, đại sảnh Hoo-do hay đại sảnh Phụng Hoàng - với các hành lang nâng cao nhô ra hai bên, ở đầu mút uốn cong một đoạn ngắn hướng về phía hồ. Thật dễ hình dung hình con chim xòe cánh, và sự thanh thoát chung của hình dáng và bối cảnh hồ nước tất cả như muốn làm nổi bật liên tưởng này. Hai chim Phụng Hoàng bằng đồng đặt trên nóc giữa (mô phỏng nguyên bản) cũng nhấn mạnh ý tưởng về cái chết và hóa thân trong lời giáo huấn của Phật.

Mục đích của tất cả sự tiêu pha phung phí này là nhằm tạo ra một đại sảnh thờ phụng lộng lẫy trong sảnh có thể đặt một tượng phật lớn, chạm gỗ, do Yorimichi đặt hàng ở điêu khắc gia nổi tiếng Joche. Thường được xem là tuyệt tác nghệ thuật, pho tượng cao gần 3m (10feet).

Kết cấu gỗ thời xưa thường có đặc tính đặc trưng dành cho phần bên ngoài, xuất phát từ kết cấu cơ bản của vật chất hữu cơ. Xét về độ tuổi của công trình, dĩ nhiên có quá nhiều điểm đến mức không thể xem tất cả cấu trúc mang tính độc đáo. Thế nhưng, chùa được bảo tồn nhạy cảm nhất, vì gỗ đã lên nước bóng loáng của thời gian và hiện đang được trùng tu hiệu quả. Ngày ngay, chùa là di sản văn hóa thế giới, một trong số ít công trình xây dựng toàn bằng gỗ được công nhận như thế.
Số liệu thực tế:
Tổng chiều rộng: 48m
Chiều rộng mặt tiền đại sảnh Phụng Hoàng: 14,24m
Chiều cao tượng Phật: 3m.




Taj Mahal - Viên ngọc châu của đền đài Ấn Độ
 

Nếu như Agra là cả một vườn hoa đẹp của nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ thời Mogol, thì Taj Mahal không phải là lâu đài hay đền miếu, mà là lăng mộ vợ Hoàng đế Giahan - Hoàng hậu Argiuman Bano Begum. Lúc đầu, lăng có tên là Tat Bibica Rauza, nghĩa là nơi chôn cất Nữ hoàng của trái tim, sau này mới có tên là Taj Mahal, tiếng Ba Tư có nghĩa là Vương miện của người Mogol.

Lúc 19 tuổi, Agiuman Bano Begum trở thành vợ hai của Hoàng tử Guram (sau này là Sắc Giahan). Tuy là vợ hai, nhưng nàng Begum luôn luôn là người vợ được Hoàng tử Guram yêu quý nhất. Năm 1627, sau khi Guram lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Sắc Giahan (nghĩa là chúa tể thế giới) thì Mumtaz cũng trở thành Nữ Hoàng của Ấn Độ. Thế nhưng, cuộc sống phu thê của hai người đột nhiên bị đứt đoạn. Mùa xuân năm 1636, Mumtaz lâm bệnh qua đời. Trước khi chết, Bà hoàng yêu cầu Hoàng đế Giahan hứa xây cho nàng một lăng mộ xứng đáng với tình yêu và 19 năm chung sống của họ.

Cái chết của người vợ yêu quý làm Sắc Giahan vô cùng đau khổ. Ngài bắt tay luôn vào việc xây lăng mộ cho vợ như ngài đã hứa.

Lập tức, các nhà xây dựng nổi tiếng nhất được mời đến Agra để lập đề án xây lăng mộ Nữ Hoàng. Sắc Giahan đã chọn đề án của nhà kiến trúc người Ấn Độ là Istat Han Effendi làm theo mô hình các lăng tẩm của người Tuốc.

Một đội quân xây dựng khổng lồ gồm 24 ngàn người được thành lập. Các loại đá cẩm thạch đủ màu quý nhất được chuyển từ khắp các nơi tới Agra. Năm 1632, công trình tại Taj Mahal được khởi công xây dựng. Suốt 24 năm trời, 24 ngàn người thợ làm việc cực nhọc và đã tiêu tốn 40 triệu rupi.

Taj Mahal được xây dựng trên một khu đất rộng hình chữ nhật (dài 580 m, rộng 304 m), với cảnh quan ngoạn mục, hài hòa xung quanh. Kiến trúc chính của khu lăng là một tòa lâu đài đáy hình bát giác, xây bằng đá cẩm thạch trắng và sa thạch đỏ trên một nền rất cao. Sừng sững giữa trời xanh là một vòm tròn cẩm thạch trắng đồ sộ, uy nghi cao 75 m chung quanh còn có bốn vòm tròn nhỏ hơn. Ở bốn góc lại vươn lên bốn tháp nhọn cao tới 40 m. Trong lăng, có rất nhiều đường diềm chạm khắc bằng 12 thứ đá quý, trang trí theo phong cách truyên thống Ấn Độ.

Tại chính giữa gian phòng rộng lớn, sáng sủa ở tầng hai là hai chiếc quan tài bằng đá cẩm thạch màu hồng nhạt, được trang trí bằng các hoa văn thực vật và các hàng chữ Ả Rập rút từ Kinh Koran. Nhưng trong các quan tài này không có di cốt của người đã khuất. Hai quan tài ở tầng hai chỉ là tượng trưng cho những quan tài thật ở tầng dưới.

Theo quan niệm của Đạo Hồi, từ các quan tài thật, linh hồn người chết bay lên nhập vào các quan tài ở tầng trên, để từ đó, vượt qua vòm mái lên trời, tới ngai vàng vủa Thánh Allah (chữ Ả Rập viết al - Ilad). Di cốt Mumtaz và Giahan đặt trong hai quan tài ở tầng dưới.

Taj Mahal quả là đã được tạo nên bằng máu thịt và trí tuệ của người Ấn Độ và trở thành một trong những kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc nhân loại. Taj Mahal xứng đáng với tên gọi là Viên ngọc châu của những đền đài Ấn Độ hay Giấc mơ tiên hiện thành đá trắng.

Lâu đài Neuschwanstein

Thời đỉểm xây dựng: 1869 - 1886
Địa điểm: Dãy Alps, bang Bavaria, Đức.


 


Lâu đài Neuschwanstein nằm trên vách đá lởm chởm vươn cao khỏi cánh rừng chân núi dãy Alps thuộc bang Bavaria là một trong những hình ảnh trữ tình quen thuộc nhất trên thế giới. Điều khiến lâu đài này khác hẳn đa số các lâu đài và cung điện khác là sự xây dựng không phải phô trương uy quyền hay của cải, mà chỉ là tư dinh của chủ nhân Ludwig II và một ít người tùy tùng.

Thân phụ của Ludwig là Maximilian II đã xây dựng lâu đài Hohenschwangau gần đó năm 1837 để làm nơi ở mùa hè. Mang phong cách Gothic, vì lúc đầu thế kỷ 19 phong cách có phần nào được chọn theo sách lịch sử mẫu. Nơi đây Ludwig trưởng thành, và cũng nơi đây trong phòng âm nhạc, lần đầu tiên ông được giới thiệu với nhà soạn nhạc Richard Wagner, với các vở opera tạo ấn tượng khó phai ở vị hoàng tử trẻ.

Cuối cầu thang của tháp phía Bắc, tượng rồng cúi mình đón chào những người lên đến đỉnh tháp. Do người kế vị Riedel - Julius Hofmann thiết kế, công đoạn này là một trong những phần sau cùng của tòa lâu đài xây hoàn tất vào năm 1884.

Ludwig làm vua khi 18 tuổi không học hành chính thức, nhanh chóng nhận thấy mình bất hòa với các bộ trưởng trong chính phủ. Khi ông nhận thấy mình không có thiên hướng hay tài năng trong hoạt động chính trị, ông ngày càng rời xa thực tế thường nhật để lánh mình trong thế giới truyền thuyết và hoang đường.

Vào thời điểm ấy, địa điểm xây dựng lâu đài ngổn ngang các đống gạch vụn của lâu đài trước đó và trong lá thư gửi Wagner đề năm 1868, Ludwig viết: "Ta dự định xây dựng một tòa lâu đài theo phong cách thật sự của những hiệp sĩ Đức cổ đại trên đống đổ nát của lâu đài cũ... nơi đây Thánh thần sẽ đến thăm và chung sống với chúng ta trên đỉnh cao dốc đứng, thoáng mát với làn gió nhẹ thiên đàng". Lâu đài trở thành một tư dinh nơi nhiều anh hùng trong vở kịch âm nhạc của Wagner không chỉ ra mắt trong cuộc trình diễn mà còn luôn hiện diện như những nhân vật điển hình.

Thiết kế và phong cách
Phác họa lâu đài Neuschwanstein ban đầu của nhà thiết kế sân khấu Christian Jank trong Nhà hát cung đình Munic trong năm 1868 cũng đủ thích hợp. Sau đó những phác họa này được Edouard Riedel chuyển thành các bản vẽ kiến trúc khả thi vào năm sau. Địa điểm cũng tạo ra nhiều vấn đề đáng kể, vì cao hơn mặt đường hiện hữu đến 200m nằm trên vỉa đất trồi khô cằn. Sau cùng người ta phát hiện một con suối và bơm nước lên lâu đài đến ngày nay vẫn còn. Riedel đảm nhận công việc cho đến năm 1872, sau đó đến phiên 2 kiến trúc sư khác cho đến khi nhà vua đã hoàn tất, mặc dù các phần nội thất khác vẫn còn dang dở.

Phong cách chính là trường phái kiến trúc giữa cổ điển và Gothic Đức thế kỷ 13, mặc dù được hiểu theo cách tùy tiện. Một số đặc điểm lấy từ các công trình hiện có, nhưng nói chung là một thành phần độc đáo, tháp cao đồ sộ bất thường của lâu đài với các mái hình nón tạo ấn tượng khó quên xen lẫn rừng cây và dãy núi phía xa. Ngạc nhiên nho nhỏ là vào ban đêm nhà vua sẽ đi lên chiếc cầu ở cạnh phía Bắc để thưởng thức cảnh tòa lâu đài thắp sáng bằng chúc đài treo và vô số ánh nến lung linh tựa thể trong truyện cổ tích.

Bên ngoài lâu đài cũng tạo ấn tượng bằng cách bố trí các yếu tố khác nhau và tường đá đồ sộ được làm dịu đi bằng chi tiết trang trí rất nhỏ. Vì thế khách tham quan hoàn toàn không ngờ trước sự phong phú và phức tạp của các sơ đồ trang trí nội thất - thật khó nhận ra bất cứ một bề mặt nào không có một số hình dạng trang trí hình ảnh và ứng dụng. Phòng ngủ của Ludwig vô cùng lộng lẫy, một hiệu quả dạt được do sử dụng phong cách Gothic, với các panel bằng gỗ sồi chạm khắc và tranh vữ của A.Spiess minh họa truyền thuyết Tristan và Isolde. Phòng khách dành cho truyện thần thoại Lohengrin, Hiệp sĩ Ngỗng (Neuschwanstein có nghĩa là "Ngỗng đá mới") do Hauschild mô tả trên thảm thêu.

Hai phòng lớn nhất trong lâu đài là Phòng Ngai vàng và Phòng ca sĩ. Phòng Ngai vàng có các vòm Byzantine cầu kỳ bao quanh, đáng tiếc cho ngai vàng, đặt trong tiêu điểm của căn phòng lại không được thi công. Phòng Ca sĩ phỏng theo nguyên bản Wartburg, có phần trần nhà được nâng lên cùng với nhiều panel chèn đầy các motif trang trí theo ký hiệu hoàng đạo. Những phòng này giúp cho Ludwig xa lánh vai trò lịch sử như Lohengrin chẳng hạn, giữa cảnh quan bao quanh trong đó "trí tưởng tượng là mô hình để tạo ra thực tại" - sau đó Walt Disney thể hiện hình ảnh lâu đài nhìn từ phía Bắc làm biểu tượng của Disneyland.
Số liệu thực tế:
Diện tích: 5.935 m2
Độ cao: 965 m
Số phòng hoàn chỉnh (trong số 228 phòng trong đồ án): 15
Chi phí (lúc Ludwig mất): 6.180.047 mark

Thật không may, câu truyện của Ludwig không có hậu. Năm 1880 người ta ước tính chi phí hàng năm khoảng 900.000 mark mới hoàn tất lâu đài trong năm 1893. Vào lúc này Ludwig khởi công xây thêm 2 lâu đài khác, nhu cầu xây dựng 3 lâu dài cùng lúc đã vượt giới hạn khả năng kinh tế của ông, vì ông phải trả công xây dựng từ khoản trợ cấp bằng báu vật cho một vị vua chứ không lấy từ công quỹ. Có thể chính lý do này mà thần dân trong nước thường xem ông là một người lập dị dễ thương, nhưng chính phủ của ông ngày càng không đồng tình với hành vi ảo tưởng thấy rõ của ông, họ dàn cảnh để một ủy ban gồm các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần (thực tế không hề khám Ludwig) tuyên bố nhà vua mắc bệnh tâm thần, để bổ nhiệm người cậu 60 tuổi của ông làm Nhiếp chính.

Ludwig vô cùng đau khổ, sau cùng phải chấp nhận thoái vị, và bị trục xuất khỏi lâu đài Neuschwanstein. Ba ngày sau, vào ngày 13/06/1886, người ta phát hiện nhà vua bị chết đuối cùng với thầy thuốc của ông trong hồ Starnberg. Trái với nguyện vọng của nhà vua, lâu đài mở cửa cho khách tham quan trong 3 tuần sau khi ông mất, tạo ra sự trớ trêu đời đời đối với Ludwig - nhà vua thích sống riêng tư nhất trong lịch sử đã biến nước Đức thành nơi thu hút nhiều du khách nhất.
 

Phòng Ca sĩ lấy cảm hứng theo nguyên bản ở Wartburg, đến lượt nó lại truyền cảm hứng cho tác phẩm Tannhausor của Wagner (Ảnh: rainfall)





Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành là khu phức hợp rộng lớn nhất trong số các công trình lịch sử còn nguyên vẹn trên thế giới, gồm 800 công trình với 9.000 phòng. Đây là một ốc đảo yên tĩnh tọa lạc ngay giữa kinh thành náo nhiệt của Trung Quốc, Bắc Kinh. Ngày nay gọi là cố cung (Gu gong) đặt theo tên gọi trước kia Tử Cấm Thành (Zi jin cheng) do cấm thường dân vào trừ khi họ được phép.

Nguyên tắc xây dựng cơ bản Trung Hoa liên kết hợp các công trình này với quá khứ cổ đại của Trung Quốc. Công trình là một ví dụ minh họa kiến trúc Trung Hoa truyền thống, với một khung gỗ làm gối đỡ trọng lượng mái, được xây dựng sử dụng hệ thống gối đỡ phức tạp, phần mái nhô ra khỏi tường uốn vòng lên, mái dốc, mái ngói trang trí, chèn gạch và đá vào các vách tường.



Toàn cảnh Tử Cấm Thành minh họa một diện tích rộng mênh mông và vô số công trình riêng biệt có mái ngói vàng đục và tường đỏ. Cổng lợp ngói màu gốm, trên có khắc chữ Trung Hoa và chữ viết Mãn Châu.

Trong hơn 500 năm, từ lúc hoàn tất năm 1421 chi đến năm 1925, khi trở thành một bảo tàng viện, Tử Cấm Thành vừa là trung tâm hành chính của Chính phủ, vừa là tư dinh của 24 hoàng đế nhà Minh và Thanh. Hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa, Aisin Gioro Phổ Nghi sống ở đây cho đến khi năm tuổi trong tư cách hoàng đế và bị quản thúc trong Tử Cấm Thành thêm một lần nữa sau khi thành lập nước Cộng hòa năm 1911. nhưng sau cùng bị các tư lệnh ép buộc phải chạy về Thiên Tân năm 1924. Năm sau, Tử Cấm Thành trở thành một Viện bảo tàng.

Ngày nay là viện bảo tàng lớn nhất trên thế giới, thuộc về một quốc gia đông dân nhất thế giới, là nơi cất giữ báu vật nghệ thuật quan trọng nhất của Trung Quốc, cổ vật và hội họa, hàng năm có đến 10 triệu khách tham quan. Năm 1987, Unesco tuyên bố Tử Cấm Thành là một trong những di sản văn hóa thế giới.
Lịch sử thi công:
Công trình khởi công vào năm 1406, theo lệnh của hoàng đế Yongle, Zhy Di - một viên tướng quyền thế cũng là một chiến lược chính trị gian xảo, chiếm đoạt ngai vàng từ tay cháu trai của mình với chứng cứ giả mạo trong cuộc nội chiến đẫm máu. Ban đầu, hoàng đế Yongle vẫn giữ kinh thành hiện có ở Nam Kinh, nhưng ít lâu sau nhận thấy có khả năng miền Nam không trung thành nên phải dời đô lên miền Bắc đến Bắc Kinh gần căn cứ quyền lực của riêng mình.

Cung điện mới xây dựng trên địa điểm các hoàng cung của nhà Nguyên trước đây đã bị hoàng đế đầu tiên của nhà Minh phá hủy - Hongwu trong lúc chinh phục người Mông Cổ.

Công trình nhìn thấy ngày nay phần lớn có niên đại từ thế kỷ 15. Vì công trình chủ yếu làm bằng gỗ, một vài trận hỏa hoạn tàn phá phải đại tu trong suốt 600 năm lịch sử của Tử Cấm Thành. Chẳng hạn, hoàng đế Càn Long (khoảng 1736 - 1796) tân trang, xây lại và mở rộng Tử Cấm Thành, xây dựng thêm các công viên diễm lệ và Bình phong Cửu Long, dài 27,5m x 5,5m cao; trang trí bằng ngói gốm màu. Con trai cũng là người lên kế vị ông, hoàng đế Gia Khánh từ năm 1797 đến 1799, cũng xây dựng lại 3 đại sảnh chính sau khi bị hỏa hoạn.

Chọn hướng và màu sắc:

Theo nguyên tắc chọn hướng kiến trúc truyền thống Trung Hoa. Tử Cấm Thành được bố trí ít nhiều phải thật cân đối trên trục Bắc Nam. Tĩnh sơn (jing shan), hình thành từ số đất đào từ một hào rộng bao quanh khu phức hợp hoàng cung, nằm về hướng Bắc trong khi quảng trường Thiên An Môn nằm ở phía Nam. Diện tích khuôn viên tương đương với hơn 100 sân bóng đá. Về cơ bản được hình thành từ một loạt công trình bố trí trong sân chia thành 2 phần chính: Cung điện phía trước quay mặt về hướng Nam (Tiền Triều), và cung điện phía trong (Nội sảnh) quay về hướng Bắc.

Tiền triều gồm 3 đại sảnh xây trên nền đá hoa cương 3 tầng, sử dụng trong các nghi lễ quân và dân sự cũng như tiếp kiến. Nội sảnh xoay quanh 3 cung điện lớn đặt trên một nền 1 tầng đơn làm nơi ở của nhà vua, các cung điện khác có tiện nghi kém trang trọng hơn dành cho hoàng gia cũng như là nhà kho, thư viện, công viên và đền miếu để thờ cúng hoàng tộc.

Nước được cung cấp từ một bể chứa nằm ở hướng Tây Bắc, sau đó hướng về phía Nam của khu phức hợp, ở đâu có một chiếc cầu bằng đá cẩm thạch chạm khắc xinh xắn bắc ngang qua. Bảo vệ công trình Tử Cấm Thành là một hào rộng và vách thành dày làm bằng đất nện trộn gạch, có cổng vào hình vòm rất lớn ở các phương hướng chính và tháp canh cao đặt ở 4 góc.
Băng qua một không gian bao la, Thái hòa điện tọa lạc ở phần đỉnh của 2 đợt bậc thang bằng đá hoa cương và một lối đi dành để khiêng kiệu vua được canh gác nghiêm ngặt có chạm khắc ở giữa.

Không gian lộ thiên nhấn mạnh công trình quy mô, khi du khách đi từ hướng Nam đến hướng Bắc, trong khi các công trình thấp ở các bên nhấn mạnh vẻ hùng vĩ của 3 sảnh tiếp kiến trong cung điện. Sảnh thứ nhất trong số này là Thái hòa điện (Taihedian), là dinh thự lớn nhất và ấn tượng nhất trong khu phức hợp, chiếm một diện tích 2.730m2 tương đương với 9 sân tennis, đo được 64m chiều rộng x 37m chiều dài. Quy mô, hình dáng, trang trí và đồ gỗ nội thất của điện tất cả đều tạo cảm giác uy quyền và tính hơn hẳn của hoàng đế bao trùm lên tất cả những người khác đang được triệu tập trong các nghi lễ đến tuổi trưởng thành, thông báo kết quả các cuộc khảo thí dân sự và đón tiếp quan chức mới bổ nhiệm.

Suốt triều đại nhà Thanh (1368 - 1644) Tử Cấm Thành được sử dụng trong 3 dịp lễ hội chính:

Tết, Sinh nhật nhà vua và Ngày Đông Chí. Đối với các dịp lễ đặc biệt, trong sân Thái hòa điện chứa đến 100.000 người, kể cả việc binh mặc quân phục và vô số nhạc công cung đình. Ở những thời điểm như vậy, không khí như được quyện với mùi trầm hương được đốt lên trong các lư hương lớn. Phía sau điện này, điện giữa, gọi Trung hòa điện (Zhonghe dian) dùng để chuẩn bị trước các nghi lễ chính. Công trình hành chính sau cùng, Bão hòa điện (Baohe dian) là nơi tổ chức yến tiệc cầu kỳ và dành cho sỹ tử ngồi làm bài thi trong các kỳ thi quốc gia, nếu thi đậu, sẽ đảm bảo một sự nghiệp thuận lợi trong chế độ quan lại của quốc gia.

Từ điện này có 2 cầu thang có đường dốc ngay giữa, chạm khắc 9 con rồng đang săn đuổi hạt châu trên mây báo điềm lành. Hoàng đế được những người khiêng kiệu khiêng đi bên trên biểu tượng uy quyền và vận may này. Đường dốc chế tác từ đá hoa cương Fangsan, trọng lượng khoảng 200-250 tấn. Việc lắp đặt chứng tỏ hoàng đế có sẵn nguồn tài nguyên và đội ngũ thi công của ông. Phải cần đến 20.000 người trong 28 ngày kéo lê tảng đá này đi hơn 48km mới đến vị trí lắp đặt. Giới học giả cho tằng công việc này tiến hành vào mùa Đông vì lúc ấy có thể làm đường đi trên băng để trượt đá.

Số liệu thực tế:
Diện tích: 250.000m2
Chiều rộng hào: 54m
Chiều cao tường: 10m
Số công trình: 800
Số phòng: 9.000
Nhân lực: ước tính 1.000.000
Ngoài các sảnh chính thức còn có 3 cung khác. Cung thứ nhất, Thiên tinh cung (Qian qing gong), vốn là nơi ở chính thức của hoàng đế nhà Minh. Ở đây, năm 1542, hoàng đế Gia Khánh chuyên chế không được lòng dân sống sót sau khi bị ám sát do một nhóm cung nữ tìm cách siết cổ ông nhưng bất thành vì các nút thắt không khéo. Một khi phản bội, tất cả đều bị hành hình. Cung thứ 2 là Hiệu thái điện (Jiao tai dian) dùng để tiếp nhận những lời chúc sinh nhật của các nghi tần và công chúa, cũng là nơi cất giữ 25 dấu ấn của vua từ năm 1746. Khôn ninh cung (Kunning gong) là phòng ngủ của các hoàng hậu nhà Minh. Hoàng hậu của hoàng đế nhà Minh sau cùng tự vẫn tại đây khi quân Mãn Châu đang tiến đến gần. Sau này dưới nhà Thanh, nơi đây dùng làm phòng hoa chúc cho 3 đêm đầu sau hôn lễ. Ở 2 bên phòng này có lục cung Đông và lục cung Tây, nơi các phi tần cùng thành viên khác trong hoàng gia sinh sống.

Trái với các hoàng cung đương đại xây dựng ở phương Tây, Tử Cấm Thành nhiều màu sắc không thể tin nổi khi nhìn từ bên ngoài, tường màu đỏ, cột màu tía, mái nhà cong ngược lên trang trí bằng ngói gốm màu vàng lấp lánh với nhiều hình vẽ trang trí. Ngói đất sét lợp mái hình bán nguyệt uốn cong, phỏng theo hình ảnh măng tre cắt đôi, lợp mái xen kẽ theo vị trí âm (ngói ngửa) dương (ngói úp). Ngói phủ kín các đầu mút của mái dốc theo hình long ngư chẳng hạn với hy vọng phong tỏa. Màu sắc trên mái, vách và cột được làm nổi bật hơn nữa bằng đá hoa cương và gạch màu xám nhạt sử dụng để lót chân giữa các công trình.

Yến tiệc xa hoa của triều đình luôn được tổ chức thường xuyên trong Tử Cấm Thành. Năm 1796 có hơn 5.000 quan khách độ tuổi 60 trở lên được mời làm thực khách với 800 bàn để kỷ niệm lễ trao quyền lực từ vua Càn Long sang hoàng đế Gia Khánh.
"Không một kinh thành nào trong số các kinh thành châu Âu của chúng ta được nghĩ ra và thiết kế với sự phô bày rực rỡ luôn áp đảo như thế, nhất là sự phô bày nhằm truyền đạt một ấn tượng oai nghiêm, đường bệ của hoàng đế" - Pierre Loti, 1902.


La Cuesta Encantada: Lâu đài của Hearst
Thời điểm xây dựng: 1919 - 1951
Địa điểm: San Simeon, California, Mỹ
La Cuesta Encantada, nơi ẩn dật "ngọn đồi yêu thích" sang trọng của William Randolph Hearst, theo nghĩa đen có nghĩa là góc thế giới. Trong khi những kẻ quyền thế đầu thế kỷ thích sống và tái định cư ở miền Đông nước Mỹ, thì Hearst thích thú sống ở miền Tây. Từ địa điểm trên đỉnh núi cao đến 490m ở dãy Santa Lucia nhìn xuống vùng duyên hải lởm chởm đá trông thật hùng vĩ với nhiều vịnh đá và Thái Bình Dương xanh thẫm bên dưới, ông đúng là bậc thầy của tất cả những gì ông khảo sát. Chỉ một con đường mòn duy nhất - một ít dấu của bánh xe bò - dẫn đến địa điểm khi ông bắt đầu dự án năm 1919, và không có đường ven biển nào ở phía Bắc dẫn đến Monterey hay San Francisco. Xe lửa đến San Luis Obispo cách đó đến 64km, nối liền khu vực này với Los Angeles và phần còn lại của quốc gia.
Nhưng ở nơi hẻo lánh này, ông lại xây dựng một ngôi nhà phi thường vừa để tiếp bạn bè cùng các nhân vật nổi tiếng, trong đó có những ngôi sao như danh hài Charlie Chaplin và văn sĩ George Bernard Shaw, vừa là trung tâm đầu não từ đây ông thống trị đế quốc kinh doanh của riêng mình. Hearst, ông vua ngành đa truyền thông đầu tiên của thế kỷ 20, cũng là nghiệp chủ của nhiều nhật báo, tạp trí và phim trường; ban ngày kiểm soát chặt chẽ lợi nhuận tài chính của mình qua điện thoại và về đêm là chủ nhân thết đãi những bữa tiệc xa hoa, khiêu vũ và xem phim tiêu khiển.

Ban đầu Hearst nghĩ đến một nơi ẩn dật ở thôn dã trong trại chăn nuôi rộng 109,270 ha và dãy núi. Julia Morgan là một trong những kiến trúc sư mẹ ông rất yêu thích, khi Hearst đề nghị ông thiết kế ngôi nhà gỗ một tầng kiểu "Nhật - Thụy Sĩ", thì có lẽ ông nghĩ ngôi nhà ấy phải giống như nhà gỗ của Berkeley, kết hợp với kiến trúc Nhật Bản thể hiện trong phong cách Nghệ nhân. Morgan có lẽ không nghĩ đến bà đang tham gia một dự án 20 năm hơn.
Xây dựng cung điện ở chốn hoang vu

Bất chấp nhu cầu kinh doanh, Hearst cũng dành nhiều thời gian để hợp tác chặt chẽ với Morgan về kiến trúc, một trong những đam mê của ông. Khi phát triển dự án, cũng là lúc Morgan phải tổ chức thuê thợ, tìm mua vật liệu và biết bao cổ vật vô giá để thi công. Tất cả lương thực và đồ gỗ nội thất đều được tàu hàng chở đến địa điểm. Người ta xây dựng một bến tàu và nhiều nhà kho ở trong ngôi làng San Simeon nhỏ bé dưới chân núi. Ngay địa điểm phải làm nhà ở cho công nhân, vì gần đó không có thị trấn. Từ nhà kho, hàng hóa cung cấp phân loại rồi chuyển lên đồi bằng xe tải bánh xích trên con đường xây dựng đặc biệt.

Làm việc trong một căn nhà dựng tạm sơ sài, Morgan chỉ huy một nhóm nhân viên vẽ thiết kế cả nam lẫn nữ, và cả một trung đội công nhân. Hearst và Morgan đều nhất trí nên xây dựng bằng bê tông cốt thép để chống chọi với vùng bờ biển hay bị động đất ở California, theo tỷ lệ cân đối và trang trí rực rỡ như một cung điện Tây Ban Nha thời kỳ Phục Hưng.

Dự định tiến hành xây dựng ngay 3 căn nhà dã chiến hoàn tất trong năm 1921 thực ra là nhà khách đồ sộ có từ 8-10 phòng và đóng cọc gỗ thành nhiều tầng xuống phía dưới sườn đồi. Toàn bộ đỉnh đồi sẽ phân cấp lại với 51 ha làm công viên, dải đất bằng tạo bậc, sân quần vợt và đường cưỡi ngựa che mát bằng giàn lưới mắt cáo làm cao, sao cho Hearst có thể cùng quan khách cưỡi ngựa đi dạo thật thoải mái. Ngôi nhà chính hay Casa Grande diện tích 5.640m2, 130 phòng theo kiểu thánh đường tháp đôi Tây Ban Nha thời kỳ phục Hưng, phỏng theo thánh đường La Ronda ở Tây Ban Nha. Đối diện với 3 nhà dã chiến băng qua một quảng trường tạo cảnh quan, hình thành một ngôi làng thôn dã trên đỉnh đồi, tạo cảnh quan phong phú giống như vườn Eden giữa một vùng rừng núi hoang vu.
Khi công việc đang tiến triển, không có công tình nào có vẻ hoàn tất. Nếu Hearst muốn thay một lò sưởi lớn hơn trong căn phòng hay làm hồ bơi lớn hơn hay ông thấy kiểu kiến trúc ưng ý nào đó, thì tường, trần nhà hay lò sưởi đã đúc bê tông cũng phải dỡ bỏ và thiết kế lại. Hồ bơi lộ thiên Neptune 155m2 được mở rộng khi thêm vào mặt tiền có đền La Mã với dãy cột. Casa Grande sau cùng cũng có người ở vào năm 1927.

Cũng có nhà tắm trong nhà thật xa hoa và bể bơi lót bằng gạch xanh với rất nhiều kiểu kiến trúc Byzantine, một vườn thú có sư tử, ngựa vằn và các loài động vật nước ngoài khác, chỉ riêng trong Casa Grande có đến 41 lò sưởi, 61 nhà tắm, 38 phòng ngủ, và nhiều thư viện, dãy buồng, nhà bếp, một rạp chiếu bóng và phòng ăn; tất cả xây dựng dưới sự giám sát của Julia Morgan. Trong 20 năm, cứ mỗi ngày cuối tần bà đến San Simeon bằng chuyến xe lửa chạy suốt đêm sau 7 ngày làm việc suốt trong văn phòng của bà ở San Francisco để giám sát thi công và thiết kế chi tiết cũng như hội ý với thân chủ Hearst.
Giấc mơ chưa trọn
La Cuesta Encantada không bao giờ hoàn thành. Thi công vẫn đều đặn cho đến năm 1937 ngay cả khi cơ nghiệp khổng lồ của Hearst gần đến mức kiệt quệ. Nợ nần chồng chất, ông buộc phải cấu trúc lại và cắt giảm cách sống tiêu pha hoang phí của mình. Năm 1947, thêm vào một tầng thứ tư cũng là tầng sau cùng, lúc ấy Hearst 84 tuổi đến với San Simeon lần cuối cùng. Sau khi ông mất năm 1951, tường bên phòng khiêu vũ trong sơ đồ vẫn còn dang dở - vách bê tông trần trụi là để liên kết với ngôi nhà vẫn còn nhìn thấy.
Việc xây dựng liều lĩnh ca ngợi sự giàu có của Hearst và tính cách đả phá thánh tượng của ông giúp định hình thế kỷ 20. Bất chấp trần nhà có ô lõm sâu trang trí thời cổ mua từ các đan viện Tây Ban Nha, La Cuesta Encantada không phải là bảo tàng viện hay sự tái hiện một công trình lịch sử, mà chỉ là một nhà ở kết hợp hiện đại với quá khứ trong tấm thảm thêu rời rạc. Sau khi ông mất, nơi đây không còn mang ý nghĩa của một sở hữu cá nhân nữa. Gia đình ông chuyển nhượng ngôi nhà này cho bang California năm 1957 để làm công viên tiểu bang, và hiện nay vẫn là một trong điểm thu hút du khách nổi tiếng nhất của bang này.
Toàn cảnh lâu đài của Hearst (Ảnh: madisonavenuejournal) .

Cũng như nhiều chi tiết trong dự án kéo dài bất tận của Hearst, bể bơi Neptune đã thiết kế, xây dựng, phá bỏ, thiết kế lại và xây mới một vài lần, pha trộn đặc điểm của một ngôi đền La Mã với các dãy cột và tác phẩm điêu khắc Tân cổ điển. (Ảnh: betterphoto)

Với tính tình khiếm nhã, Hearst bày biện nơi ở chính hay còn gọi là Casa Grande, phỏng theo một thánh đường Tây Ban Nha, nổi bật trong một khu làng nhỏ gồm những nhà dã chiến dành cho khách. Trong tháp có phòng ngủ. (Ảnh: yenwen).

Gạch xanh và mạ vàng của bể bơi trong nhà lấp lánh tựa như phòng ngai vàng của đế quốc Byzantine. (Ảnh: yenwen).

Điện Kremlin
Thời điểm xây dựng: 1475 trở đi.
Địa điểm: Moscow, Nga.
Một vài hình dáng kiến trúc nổi tiếng vang dội nhiều hơn cả là điện Kremlin ở Moscow trong nhiều thập niên chính từ "điện Kremlin" tượng trưng cho một thế lực bí ẩn. Thực tế, nhiều thành phố ở Nga thời Trung cổ đều có điện "Kremlin" - hay thành lũy công sự - nhưng các điện Kremlin khác không nổi tiếng hay ai ai cũng biết đến bằng điện Kremlin ở Moscow. Điều này có thể giải thích ở nhiều mức độ nhưng lý do căn bản thật đơn giản: Quyền lực.

Mặc dù Moscow được xây dựng khoảng năm 1147 là một thành phố tương đối mới trong số nhiều thành phố cổ của Nga, nhưng phát triển thông qua sự vận động hoàn cảnh thật nhẫn tâm cho đến khi đất nước Nga bị thống trị. Điện Kremlin, một thành lũy ngay trung tâm thành phố, có sơ đồ xấp xỉ hình tam giác ven sông. Là địa điểm quyền lực ở công quốc Muscovite - và sau này là nước Nga nói chung - điện Kremlin bao gồm nhiều đại giáo đường trong vùng cũng như là nơi ở của nhà cầm quyền cho đến khi Peter Đại đế dời đô về St Petersburg năm 1711. Điện Kremlin cũng có nhiều tòa nhà hành chính quan trọng, tu viện và các nhà thờ nhỏ hơn do cung đình sử dụng.
Sơ đồ điện Kremlin (Ảnh: architectnetwork).

Tường thành điện Kremlin trở thành một biểu tượng quyền lực Nga nhờ ở phần lớn vẻ ngoài nổi tiếng đối với trí tưởng tượng Nga nhất là khi giới kiến trúc sư địa phương bổ sung đường xoắn ốc ở tháp trong thế kỷ 17. Nhưng các tháp chính và tường thành rất giống sản phẩm kỹ thuật xây công sự Ý Quattrocento, vào thời điểm xây dựng điện Kremlin ở Moscow, kỹ thuật này đã lỗi thời ở Ý từ lâu.
Trong thập nhiên 1460, tình trạng tường đá vôi hiện hữu của điện Kremlin có niên đại vào cuối thế kỷ 14 đã đến mức cần phải trùng tu khẩn cấp.
(Ảnh: capitaltours)
Các nhà thầu địa phương được tuyển dụng để sửa chữa chắp vá nhưng đối với tái thiết cơ bản, Ivan III phải hướng về nước Ý để tìm chuyên gia xây dựng công sự. Từ năm 1485 - 1516, pháo đài cũ được thay bằng tường và tháp gạch. Tường kéo dài đến 2.235m với chiều dày thay đổi từ 3,5 đến 9m, với lỗ châu mai "đuôi én" kiểu Ý đặc biệt.

Trong số 20 tháp làm nổi bật tường điện Kremlin, tháp công phu nhất đặt ở các góc hay lối ra vào chính vào thành. Trong số các tháp bề thế nhất là tháp Frolow (sau này là tháp Spassky, hay Đấng cứu thế), lần đầu tiên do Vasily Ermolin xây dựng vào năm 1464-1466 nhưng Pietro Antonio Solan xây dựng lại vào năm 1491, ông từ Milan đến Moscow năm 1490. Vương miện trang trí do Bazhen Ogurtsov và một người Anh tên Christopher Halloway bổ sung năm 1624 - 1625. Ở góc Đông Nam của tường thành, tháp Beklemishev (1487 - 1488, có đường xoắn ốc bát giác từ năm 1680) được Marco Friazin xây dựng, ông thường làm việc chung với Solari. Tháp này và các tháp tương tự ở điện Kremlin gợi ý so sánh với pháo đài xây ở Ý.

Solari đóng vai trò quan trọng trong việc trùng tu điện Kremlin, không chỉ những với 4 tháp lối vào, tháp Borovitsky, Constantine và Helen, tháp Frolov, và tháp Nikolsky (tất cả xây dựng trong khoảng thời gian 1490 - 1493), cũng như tháp Binh công xưởng nguy nga và tường điện Kremlin đối mặt với Quảng trường đỏ, ông còn xây dựng "Cung điện nhiều mặt" - Granovitaica palata, đặt tên này là do sự trát vữa nhám lên đá vôi có hình dạng thoi ở mặt tiền chính. Sử dụng để tổ chức yến tiệc và tiếp thượng khách trong khu phức hợp điện Kremlin, công trình do Marco Friazin khởi công năm 1487.
Thánh đường Kremlin
Số liệu thực tế:
Diện tích: 24ha
Tường:
Dài: 2.235m
Cao: 8-19m
Tháp: 20
Tháp vuông Ivan Đại đế: cao 81m
Việc xây dựng lại thánh đường chính của Moscow, "Đức mẹ yên giấc ngàn thu", khởi công vào đầu thập niên 1470 với sự hỗ trợ của Đại hoàng tử Ivan III và Metropolitan Philip, người đứng đầu giáo hội Chính thống Nga. Các thợ xây dựng địa phương chứng tỏ không đủ khả năng đảm nhận một công trình đồ sộ và phức tạp như thế, khi một phần tường bị đổ, Ivan nhờ đến sự giúp đỡ của kiến trúc sư kiêm kỹ sư người Ý Aristotle Fioravanti, đến Moscow năm 1475. Ông được lệnh phải lập mô hình công tình xây dựng Thánh đường Đức mẹ yên giấc ngàn thu ở Vladimir. Trong khi thiết kế của ông kết hợp với một số đặc điểm thuộc phong cách Nga - Byzantine (nhất là mái cupôn đồ sộ ở giữa, và các mái cupôn nhỏ hơn ở các góc), kiến trúc sư cũng đưa ra nhiều sáng kiến về kết cấu: cột bằng gỗ sồi vững chắc làm chân móng, thanh kéo bằng sắt để đỡ mái vòm và gạch cứng (thay cho đá) để xây mái vòm và tường dưới mái cupôn.
Điện Kremlin nhìn từ hướng Tây Nam bên kia sông (Ảnh: studyrussian).

Bên ngoài bằng đá vôi phản ánh tỷ lệ hoàn hảo của các bộ phận nhô ra khỏi phần chính đều cạnh trong sơ đồ, và phần bên trong xây dựng bằng cột tròn thay cho các trụ bổ tường đồ sộ - nhẹ hơn và tạo nhiều không gian hơn tất cả nhà thờ khác ở vùng Moscow. Trong cùng thời kỳ người ta cũng chứng kiến việc thi công các nhà thờ nhỏ hơn theo phong cách truyền thống của Nga như Nhà thờ Đức của Robe (1484 - 1488) và Thánh đường truyền tin (1848 - 1489).

Toàn bộ các thánh đường Kremlin đều do Ivan III đặt hàng, kể cả Thánh đường Tổng lãnh thiên thần Michael, do Aleviz Novy xây dựng vào năm 1505 - 1508. Công trình thể hiện những đặc điểm Ý ngôn cuồng nhất của "Thời kỳ Ý" ở Kremlin, và vẫn tượng trưng cho sự trở về các hình thức cổ truyền hơn của các nhà thờ nội tiếp ngang của Nga. Motif "vỏ sò" - một đặc điểm của thành Venice ít lâu sau trở thành phổ biến trong các kiến trúc sư vùng Moscow - tạo ra sự nhấn mạnh dứt khoát đến cách vách bên ngoài, được chia thành một dãy các khối đắp nổi trang trí hình bậc thang, vòm và trụ bổ tường. Hình vẽ trên tường trong nội thất được tiến hành vào thế kỷ 17 và bao gồm, ngoài các chủ đề tôn giáo ra còn có tranh chân dung của các nhà cầm quyền Nga, kể cả những nhà cầm quyền mai táng trong thánh đường từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 17.
Điện Kremlin về đêm (Ảnh: bestofrussia).
Công trình tưởng niệm sau cùng và cũng là đỉnh điểm trong việc tái thiết điện Kremlin là Tháp chuông Ivan Đại đế, khởi công như Thánh đường Tổng lãnh thiên thần vào năm 1505 và hoàn công năm 1508. Hầu như người ta không biết gì về kiến trúc sư xây dựng Tháp chuông, Bon Friazin. Thế nhưng rõ ràng ông là một kỹ sư lỗi lạc, không chỉ vì tháp chuông cao 60m chia thành 2 tầng vẫn đứng vững sau bao trận hỏa hoạn và thiên tai vốn theo định kỳ thường tàn phá phần lớn điện Kremlin, Tháp chuông vẫn không suy suyển sau vụ Pháp gài chất nổ vào năm 1812 cho thấy đủ sức để nâng cao 2 công trình kế cận. Tháp chuông, độ cao tăng thêm 21m trong triều đại của Boris Godunov, gối lên tường gạch chắc chắn dày 5m ở phần chân và 2,5m ở tầng thứ 2. Tường của tầng thứ nhất được gia cố bằng dầm sắt đặt trong khối xây.
Bổ sung đáng kể nhất trong thế kỷ 17 ở điện Kremlin là Nhà thờ 12 Thánh tông đồ, do Thượng phụ Nikon đặt hàng như là một phần trong Cung điện Tổ phụ trong khu phức hợp Kremlin. Nhà thờ đồ sộ này ban đầu dành để thờ phụng Thánh tông đồ Phillip, nhưng ẩn ý là tỏ lòng tôn kính Metropolitan Phillip, người được phong thánh tử đạo do phản đối khủng bố của Ivan IV. Thiết kế và lập chi tiết nhà thờ gạch đồ sộ này, xây dựng năm 1652 - 1656, lấy từ mô hình các nhà thờ xây bằng đá vôi vào thế kỷ 12 ở Vladimir. Nikon dự định trở về hình dạng tượng trưng chính xác trong thiết kế nhà thờ.
Điện Kremlin thời Nga hoàng
Trong nửa đầu thế kỷ 18, các nhà cầm quyền ở Nga đều bận tâm với việc xây dựng kinh đô mới St Petersburg. Nhưng dưới thời Catherine Đại đế trị vì, điện Kremlin một lần nữa trở thành đối tượng chú ý của nhà vua. Catherine tài trợ kế hoạch tái thiết toàn bộ khu phức hợp, kể cả tường thành, theo phong cách Tân cổ điển. May thay, những kế hoạch này không đi đến đâu. Ngay tức khắc, Catherine đặt hàng cho một kiến trúc sư tài ba ở Moscow theo trường phái Tân cổ Matvei Kazakov thiết kế một trong những công trình mang tầm cỡ quốc gia quan trọng nhất trong triều đại của Nữ hoàng - Thượng viện trong điện Kremlin. Sau cuộc cải cách hệ thống pháp lý năm 1763, Moscow là thủ đô thứ hai, được chỉ định là trụ sở của 2 trong số những cơ quan pháp lý tối cao của đế quốc.
(Ảnh: bestofrussia)
Thiết kế bậc thầy của Kazakov khai thác một không gian rộng lớn nhưng bất tiện nhét vào góc Đông Bắc của khu Kremlin để tạo ra một công trình hình tam giác 4 tầng. Sơ đồ rất cân đối, với 2 cánh bên trong tạo ra lối đi thuận tiện hơn giữa các cạnh của hình tam giác và hình thành 3 khoảng sân. Ở đỉnh của một trong các cạnh này là đặc điểm nổi bật của toàn bộ kết cấu - gian phòng lớn hình tròn có thể nhìn thấy từ giữa bức tường phía Đông của điện Kremlin. Gian phòng lớn hình tròn là không gian hội họp chính để Thượng viện hay Tòa dân sự tối cao làm việc phù hợp với chức năng của nó. Quay tròn bên ngoài là dãy cột Doric, nội thất hoàn thiện thật tráng lệ bằng cột Corinthian và phù điêu gồm các nhân vật ngụ ngôn của Gavrill Zamaraev. Phần phía trên bao gồm các chân dung lớn trát vữa của hoàng thân Nga và Nga hoàng theo hình thức cổ điển hóa.
Trong thế kỷ 19, Nicholas I đưa ra sáng kiến tái thiết điện Kremlin lớn (1839 - 1849), đã bị xuống cấp nghiêm trọng trong thời gian Pháp chiếm đóng năm 1812 và sau đó được sửa chữa. Trong thiết kế của mình, kiến trúc sư Konstantin Ton xây dựng một mặt tiền bề thế cho điện Kremlin cao hơn sông Moscow, và tạo ra sự kết nối đầy phong cách nghệ thuật với điện Terem, Cung điện nhiều mặt và Thánh đường Truyền tin bên trong. Đối với thiết kế nội thất của điện, Ton cộng tác với kiến trúc sư cung đình Friedrich Richter, kết hợp các motif Tân cổ điển, Baroque, Gothic và Nga Trung cổ. Ton cũng thiết kế công trình Công binh xưởng kế cận (1844 - 1851), với phong cách mang tính lịch sử của mình nhằm phản ánh chức năng công trình như một bảo tàng viện để giữ một số di tích lịch sử thiêng liêng nhất của nước Nga.
Điện Kremlin của nước Nga Xô viết
Với sự dời thủ độ về Moscow năm 1918 của nước Nga Xô viết, điện Kremlin một lần nữa trở thành địa điểm quyền lực ở Nga. Tuy nhiên, điều này chứng tỏ có một chút may mắn pha trộn khi một số công trình tưởng niệm đáng kính nhất đang bị phá hủy để có mặt bằng xây dựng các cơ quan chính phủ. Chỉ sau khi Joseph Stalin mất, điện Kremlin thêm một lần nữa được mở cửa đón khách tham quam.
Bổ sung đáng kể nhất dưới thời Xô viết đối với toàn bộ là Tòa nhà Quốc hội (1956 - 1961) do Mikhail Posokhin và nhiều người khác thiết kế, có dáng vẻ như một phòng hòa nhạc hiện đại, với phác thảo hình chữ nhật phủ đá khoa cương biểu hiện bằng các tháp hẹp và thân cột nhiều tầng gồm các kính tấm. Đặc điểm duy nhất mang dáng vẻ dịu dàng của công trình là không có sự tương phản với các công trình lịch sử khác trong khu phức hợp, vẫn được xem là ngôi đền văn hóa quan trọng nhất ở Nga.

Nhà hát Opéra, Paris
Thời điểm xây dựng: 1861 - 1875
Địa điểm: Paris, Pháp
Nhà hát Opéra - ngày nay đổi thành tên Palais Garnier để tỏ lòng tôn kính kiến trúc sư thiết kế nhà hát - là một trong những tòa nhà nổi bật nhất ở Paris. Lúc Napoléon III và Nam nước Haussmann quy hoạch tại thành phố năm 1852, cùng với các đại lộ thênh thang và tầm nhìn theo chiều dài thẳng tắp, họ đã đặt một giải đáp cho tòa nhà chính ở những điểm thống nhất với thiết kế tổng thể. Nhà hát Opéra nằm trên một hòn đảo là nơi hợp lưu của các con đường chính tỏa nhánh, là một điểm như thế.
Mô hình mặt cắt bóc vỏ nhà hát Opéra, trong Bảo tàng viện Orsay:
Thính phòng khiến cả công chúng lẫn người trình diễn đều ca ngợi,
lưu ý tỷ lệ ấn tượng và bố trí cầu thang lớn của Garnier ở giữa.
Việc chọn kiến trúc sư bằng cuộc đấu thầu công khai, tổ chức vào năm 1860, tiếp nhận nặc danh. Khi trọng tài ra quyết định ai là người được chọn, đúng ra chính họ cũng ngạc nhiên, hóa ra là một thanh niên hầu như không ai biết đến - Charles Garnier 33 tuổi, tốt nghiệp trường École des Beaux-Arts và Viện hàn lâm Pháp ở Rome. Anh chưa có kinh nghiệm, nhưng theo bản năng nắm được yêu cầu: Công trình phải thực hiện chức năng hữu hiệu xét theo quan điểm của khán giả lẫn người trình diễn, đồng thời thể hiện sự phong phú và thích thú ở mỗi đêm diễn trong nhà hát Opéra.
Khái niệm
Như một xuất phát điểm, Garnier chọn nhà hát được thán phục nhiều nhất ở châu Âu, Grand Théâtre ở Bordeaux của Victor Louis. Công trình Tân cổ điển nguy nga này, khởi công năm 1773, thuộc về công trình đầu tiên biến nhà hát thành một công trình tưởng niệm quan trọng của quần chúng. Khách tham quan trước tiên bước qua một sảnh lớn vào với cầu thang dẫn đến các tầng trên có ghế ngồi và tạo khoảng không gian đi lại khoảng khoát trong giờ giải lao. Thính phòng được phủ trần nhà dạng mái bát úp tựa lên một vòng tròn cột. Garnier hoàn toàn phỏng theo sơ đồ này nhưng thể hiện bằng phong cách Baroque mới, chứ không phải bằng "ngôn ngữ" Tân cổ điển.
Nhà hát Opéra nằm trên một hòn đảo là nơi hợp lưu của các con đường chính tỏa nhánh (Ảnh: westminster) .

Cầu thang của ông thậm chí lớn hơn và đầy ắp các đường cong sang trọng, càng bước lên gần đến chỗ ngồi, khán giả có cảm giác càng ấn tượng hơn với cách trang trí phong phú hơn. Tầng lan can bằng đá cẩm thạch đa sắc, cột tượng phụ nữ, cột và cầu thang tạo ra cảnh tượng làm khoái chí, nhất là lúc mỗi tầng trong số 4 tầng đều đầy ắp khán giả trong mỗi đêm diễn. Trong thính phòng, Garnier cải tiến tầm nhìn bằng cách tập trung vào các cột đỡ đứng thành từng đôi ở các góc hơn là đứng theo vòng tròn.
Tiện nghi ở hậu trường cũng được sắp xếp hợp lý, với một sân khấu tập diễn ở phía sau, tạo nét cân đối cho toàn bộ công trình. Hoàng đế được dành một lối vào riêng ở một bên (một phần vì lý do an ninh suýt bị ám sát khi bước vào nhà hát Opéra cũ), trong khi bên kia có một bảo tàng viện nho nhỏ. Vẻ đồ sộ bên ngoài của toàn bộ nhà hát quả thật mang đến sự thỏa mãn về tính hợp lý và tính thẩm mỹ.

Số liệu thực tế:
Diện tích: 11.237m2
Chiều dài: 97m
Chiều rộng (tối đa): 125m
Chiều cao (tính từ móng đàn lyre của thần Apollo); 73,6m
Cầu thang lớn: cao 30m
Thính phòng: cao 20m, sâu: 32m, rộng: 31m (tối đa), 2.200 chỗ ngồi
Chúc đài treo: 8 tấn
Trang trí nội thất
Trong nội thất, cách bố trí và vật liệu phục vụ cho các mục đích khác nhau, trong khi tác dụng toàn bộ của nỗ lực trang trí hoa mỹ tạo cảm giác mạnh trong khắp nhà hát. Trước Garnier, đá cẩm thạch và chất liệu khảm không phải là loại vật liệu quen thuộc của người dân Paris. Garnier lùng kiếm khắp châu Âu, thậm chí đào lại các mỏ đá thời xa xưa để lấy vật liệu quý ông cần. Một khi đã có đủ số đá cẩm thạch, ông thuyết phục số nghệ nhân điêu khắc của mình tái tạo hình ảnh của khẩu thần công cổ điển và các cột tượng phụ nữ và tượng bán thân, kết hợp nhiều loại đá cẩm thạch có màu sắc khác nhau trong cùng tác phẩm sao cho hiệu ứng đa sắc không bị phai nhòa theo thời gian.
Mặc dù trang trí qua nhiều, Garnier phải tiến hành thương thảo nhiều hợp đồng và nghĩ ra kỹ thuật mới để kiểm soát chi phí. Vật liệu khảm không được khảm trực tiếp bằng tay theo kiểu truyền thống mà phải sắp xếp "úp mặt" xuống giấy bồi, sau đó phủ một lớp vữa mỏng, rồi mới đặt vào trong panel.
ác phẩm điêu khắc The Dance tuyệt vời của Jean-Baptiste Carpeaux bị nhiều người xúc phạm vào thời ấy, nhưng Garnier hoàn toàn có lý khi ủng hộ điêu khắc gia của ông (Tượng ban đầu hiện nay đặt trong Viện bảo tàng Orsay).
Nghiên cứu của Garnier cho thấy chỉ có một vài bề mặt trang trí bắt được ánh sáng cần thiết để làm nổi bật màu vàng mạ, trong khi các bề mặt khác đơn giản chỉ sơn theo tông màu vàng hắt bóng. Thay vì phủ lên các tượng trang trí bằng lớp đồng đắt tiền, Garnier sử dụng quá trình điện phân cần ít vật liệu hơn nhiều.
Phần lớn tài năng của ông nằm ở việc quyết định quy mô, mặt cắt ngang, bảng màu và chủ đề ông muốn đối với một bề mặt hay tác phẩm điêu khắc, sau đó ông để cho họa sĩ ông đã tuyển được chọn ý tưởng của riêng mình. Lúc đó cả hai đều quyết định thành phần sau cùng. Trong khi Garnier lịch lãm và có sức thuyết phục, ông chỉ có một vài cơ hội và chọn những họa sỹ và phục tá có năng lực nhất, những người đã từng học cùng trường Beaux-Arts và Prix de Rome như ông. Việc ông chọn Jean Baptiste Carpeaux thực hiện tác phẩm điêu khắc mang tên The Dance chứng minh rõ khả năng tự tin của ông trong tư cách nhà thiết kế. Đề xuất sau cùng của Carpeaux tài năng và bướng bỉnh đã gạt bỏ ý tưởng ban đầu của Garnier và thậm chí còn tạo ra nhiều tai tiếng khi phát hiện, Garnier kiên quyết bảo vệ điêu khắc gia nổi tiếng và lịch sử khẳng định sức thuyết phục của ông.
Di sản của Garnier
Garnier hiểu rõ tính độc đáo và hãnh diện về điều này. Khi Nữ hoàng Eugénie phàn nàn bà không thể biết nhà hát xây dựng theo phong cách gì - "có phải theo Henri IV hay Louis XIV hay Louis XV?" - Garnier đáp lại: "Phong cách này theo Napoleon III". Nhận xét của ông phải được xem là nhận thức của chính ông, thứ nhất về tầm quan trọng của sự ủng hộ vững chắc của thân chủ ông, thứ hai về thực tế của nỗ lực tập thể của một đội ngũ gồm nhiều họa sỹ tài năng làm việc dưới sự chỉ đạo của ông.
Nhà hát không phải là một công trình kiến trúc dành cho giới tri thức trầm ngâm suy tưởng, mà là một công trình phục vụ cho sự vui nhộn và tiêu khiển. Kiến trúc như sự tiêu khiển, nhà hát Opéra là một trong những thể hiện đầu tiên một xã hội nouveau-riche đang phát triển, sự thể hiện sở thích có lẽ không được phân tích - tự tin chính mình, sẵn sàng đón nhận bất kỳ một thách thức nào. Sau ngày khánh thành hơn một thế kỷ, phép mầu của Palais Garnier vẫn còn nguyên vẹn.
Mặt tiền đa sắc ban đầu của Garnier, cải thiện đáng kể diện mạo của nhà hát Opéra.
(Ảnh: cybevasion)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

THIẾT KẾ 3D Designed by Templateism.com Copyright © 2014

Hình ảnh chủ đề của Bim. Được tạo bởi Blogger.